image banner
Lào Cai 24° - 25°
Chức năng nhiệm vụ của Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông Sở Giao thông vận tải Lào Cai
Lượt xem: 52

1. Chức năng: Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng là là phòng chuyên môn thuộc Sở, có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; đường sắt; an toàn giao thông thuộc phạm vi quản lý của sở và theo quy định của pháp luật.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn

2.1. Tham mưu giúp Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh các quyết định việc phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông vận tải cho Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2.2. Tham mưu giúp Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản về giao thông vận tải thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

2.3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản khác trong lĩnh vực giao thông vận tải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, theo dõi thi hành pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở trong phạm vi chức năng của phòng.

2.4. Về kết cấu hạ tầng giao thông

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch bảo trì hệ thống giao thông theo phân cấp, ủy quyền hàng năm;

b) Chủ trì tham mưu đề xuất, tổ chức lập, trình phê duyệt chủ trương đầu tư, đề xuất nhu cầu sửa chữa, cải tạo nâng cấp các dự án bảo trì đường bộ theo quy định; tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chủ đầu tư đối với các dự án bảo trì đường bộ giao cho Sở làm chủ đầu tư (trừ công tác thẩm định).

c) Tổ chức quản lý, bảo trì bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mạng lưới công trình giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, đường thủy nội địa địa phương đang khai thác thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Tham mưu tổ chức thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn và duy trì tuổi thọ của công trình giao thông, tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật;

đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu giúp Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân loại, điều chỉnh hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, các đường khác và công bố tải trọng, khổ giới hạn của cầu, đường bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

e) Tham mưu giúp Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh thỏa thuận hoặc thỏa thuận theo thẩm quyền về nội dung liên quan đến đường thủy nội địa đối với công trình không thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa và các hoạt động trên đường thủy nội địa; cấp phép thi công trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa đang khai thác do địa phương quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; cấp giấy phép lưu hành xe đối với xe ô tô quá khổ, quá tải đường bộ.

2.5. Về an toàn giao thông.

a) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, xử lý tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn theo quy định của pháp luật và phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; ngăn chặn và xử lý các hành vi gây mất an toàn giao thông trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật;

c) Thẩm định an toàn giao thông thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật;

d) Chủ trì tham mưu giúp Giám đốc Sở trình Ủy ban nhân dân tỉnh việc tổ chức giao thông trên hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quân lỹ thêm quy định của pháp luật;

đ) Chủ trì xử lý đột xuất điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông trên hệ thống đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật;

e) Phối hợp với các đơn vị thực hiện kiểm tra tải trọng xe trên hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật.

2.6. Công tác giao thông nông thôn

a) Hướng dẫn cơ quan chức năng về giao thông vận tải cấp huyện thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn, hệ thống cầu treo dân sinh theo địa bàn quản lý; kiểm tra chất lượng công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã và đường giao thông nông thôn;

b) Chủ trì, phối hợp xây dựng, hướng dẫn thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (tiêu chí giao thông);

c) Theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác phát triển giao thông nông thôn; tổng hợp, đề xuất, giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, bảo trì, xây dựng đường giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh;

d) Tham mưu công tác đào tạo, hướng dẫn cán bộ làm công tác giao thông nông thôn cho các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh;

đ) Phối hợp với cơ quan có liên quan phát động phong trào thi đua quản lý và xây dựng đường giao thông nông thôn, tổng kết phong trào, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào.

2.7. Tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của phòng về thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy đinh của pháp luật.

2.8. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo chức năng của phòng đối với Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng và chức danh chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

2.9. Thực hiện công tác thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất theo chức năng nhiệm vụ được phân công về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Sở với Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia theo các lĩnh vực quản lý của phòng.

2.10. Theo dõi, quản lý tài sản đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Sở hoặc được phân cấp, ủy quyền cho Sở theo quy định của pháp luật (trừ công tác hạch toán tài sản thuộc trách nhiệm của Văn phòng).

2.11. Chủ trì thực hiện theo quy định việc sử dụng nguồn vốn nhà nước để mua sắm, thuê dịch vụ nhằm duy trì thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Sở thuộc lĩnh vực quản lý của phòng.

2.12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Lãnh đạo Sở giao.